Dòng thông tin RSS

Category Archives: Giá như hạnh phúc có thể để dành

Giá như hạnh phúc có thể để dành | Chương 1 – Sài Gòn

Giá như hạnh phúc có thể để dành

Y.A.O (HÀN NI)

 

—oo0oo—

Chương 1: SÀI GÒN

 

         Bỗng dưng khao khát biết bao cảm giác một mình giữa thành phố xa lạ, lắng nghe nhịp thở của hàng triệu con người chỉ đi lướt qua nhau, mắt thấy hàng vạn ngôi nhà chẳng có chút thân quen gì với tổ ấm của mình, rồi lại nức nở bồi hồi ngân lên thứ giai điệu quen thuộc: “Nhớ Sài Gòn quá!”.

         Thứ cảm giác bơ vơ hoang mang khi đó, vừa trơ trọi lại vừa quyến rũ lắm thay.

 

 

Năm giờ chiều, máy bay mới hạ cánh xuống Sài Gòn. Bấy giờ mới là tháng mười một, không khí trong lành, vài giọt mưa cuối mùa vẫn đang cố gắng bám trụ bên ngoài cửa sổ. Cả trong lẫn ngoài máy bay đều se lạnh. Đây đó vài mảng cỏ xanh vừa mới nhú, có những cọng cỏ vươn cao, mãnh liệt, sức sống dư tràn, song lại vô hồn và trống rỗng.

Hàn Ni cuối cùng cũng tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng lạch cạch của những túi hành lý lớn nhỏ va vào nhau. Trước mặt cô là một chàng trai người ngoại quốc, tóc vàng, xoăn, đôi lông mày rậm đầy kiêu hãnh. Anh ta rất to cao, dù chỉ mặc một chiếc áo thun mỏng nhưng cũng dễ dàng phơi bày sự quyến rũ thường thấy của đàn ông Âu Mỹ. Lúc này anh ta đã tháo dây an toàn, cầm lấy cái ba lô nhỏ đựng đồ dùng, và anh ta cười với cô.

Cô không biết gì về người đàn ông này. Mối quan hệ của họ chỉ dừng lại ở vài ba thông tin vô thưởng vô phạt khi anh ta bắt chuyện và muốn hỏi cô về những địa điểm trong thành phố. Cô chẳng biết gì ngoài những nơi đã cũ, cũ đến mức người tứ xứ đi mòn đế giày còn dân bản địa chẳng thà bắt những chuyến xe xa hơn để khám phá miền đất mới. Vậy mà khi cô lí nhí thú nhận những hiểu biết ít ỏi của mình, người đàn ông lại tỏ vẻ thấu hiểu. “Cô không cần phải áy náy đâu. Thú thật với cô, tôi đến từ nước Anh, song tôi còn chưa biết cầu tháp Luân Đôn trông như thế nào đấy.”

Anh ta cười. Một nụ cười rất duyên và khoáng đạt, khiến vết nhăn nơi khóe mắt càng sâu hơn. Đây là điều khiến cô có thiện cảm với người phương Tây. Cô nghĩ, phần lớn họ đều như vậy, dễ sống, dễ cười, dễ dàng vượt qua nghịch cảnh. Cũng có lẽ vì thế mà cuộc sống của họ giản đơn hơn rất nhiều.

Hành khách trên máy bay chỉ có vài người Việt, còn lại có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cả Âu lẫn Phi. Có anh chàng da đen lúc xuống máy bay vẫn đeo tai nghe, đầu lắc lư theo điệu nhạc, còn có cặp vợ chồng Đông Á tay xách nách mang đủ các túi hành lý, dắt theo đứa bé ba bốn tuổi, tóc nhuộm vàng và xoăn. Trông thấy cậu bé loắt choắt bước từng bước, chốc chốc lại hoảng sợ, ôm lấy bố đòi bế bằng thứ tiếng xa lạ, đột nhiên Hàn Ni mỉm cười.

Cô không giống như họ. Đây là Sài Gòn. Nhà cô. Là nơi cô thuộc về.

Lúc bé cô từng nghe nhiều câu chuyện về Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, là kho báu quan trọng mà mọi đế quốc đều muốn chiếm đóng trong thời chiến loạn. Sài Gòn không chỉ vẹn nguyên trong tư tưởng của một thế hệ, đối với giới trẻ bọn cô mà nói, đó là đất lành, là tổ ấm, là nơi đã cho bọn cô một nơi đi chốn về.

Người ta nói Sài Gòn, chưa đi đã nhớ. Có lẽ cũng chỉ có thành phố này mới khiến người ta cảm thấy nhung nhớ, ngay khi vẫn sống và làm việc ngay trong nó, ngay cả khi chưa kịp rời xa.

Kéo va li trên con đường tấp nập người qua kẻ lại, cô ngẩng đầu, híp mắt, lắng nghe tiếng còi xe inh ỏi, ngửi thấy hương vị của đất thoảng trong không khí. Phồn hoa, sống động, chân thật, và rộn rã như vậy. Đó là Sài Gòn.

Thở dài khoan khoái. Cuối cùng thì cô cũng trở lại.

Người đàn ông lớn tuổi, tóc màu muối tiêu, áo sơ mi lịch thiệp. Ông ta đeo thẻ nhân viên, tay cầm bút, liên tục hí hoáy viết lên giấy, miệng lại nhanh nhảu giới thiệu về một dịch vụ tắc xi nào đó. Đến lượt cô, ông ngẩng đầu, máy móc hỏi: “Gái à, con ‘dề’ đâu?”

Giọng miền Tây, chân chất mà ngọt lịm, hệt như hương vị món chè thốt nốt trong ký ức. Chẳng biết tại sao, sống mũi cô lại cay xè, nước mắt rưng rưng.

Người đàn ông lúng túng: “Sao đó? Không phải người Việt à?”.

Cô lắc đầu, đọc dòng địa chỉ quen thuộc. Người đàn ông vẫy tay, gọi một chiếc tắc xi. Có lẽ do hiếu kỳ, lúc cô lên xe, ông ta còn quay lại nhìn mấy lần.

Mưa lại bắt đầu rơi nặng hạt, ồ ạt xóa mờ đi cảnh vật bên ngoài cửa kính. Cô hà hơi lên kính, dùng tay nguệch ngoạc vài nét vẽ, bôi đi, rồi lại lặp lại. Cảnh vật hai bên đường vùn vụt lao đi, tưởng chừng luôn thay đổi, nhưng dường như cũng là căn nhà đó, quán cóc đó, con hẻm đó. Trong xe, những hình vẽ trên kính cũng uyển chuyển biến hóa, sau cùng dừng hẳn.

Xe máy nhiều vô số kể. Trên xe, mỗi người đều bận một cái áo mưa. Xanh, đỏ, tím, vàng, màu sắc đa dạng. Sắc thái trên mặt mỗi người càng đa dạng hơn. Có ngã tư xe cộ chen chúc. Triều lên, nước dâng đến tận gối. Thoắt ẩn thoắt hiện bóng một người đàn ông mặc áo mưa, tay cầm chùy ra hiệu, giúp mọi người phân luồng giao thông. Mặt ông khắc khổ, đen hủi, ngũ quan nhăn nhúm lại thành nắm, nhưng hào quang lại chói lọi, thay thế cơn mưa gột rửa nửa buổi chiều u ám.

Đường bắt đầu thông thoáng, xe cũng lao đi với tốc độ nhanh hơn. Cô nhoài người thẳng dậy, ngẩn ngơ nhìn theo chiếc cầu vượt lạ lẫm băng qua giao lộ trước mặt, không nhịn được mà bật thành tiếng: “Cái tháp đồng hồ ở đây dẹp rồi hở anh?”.

Chàng tài xế tắc xi chỉ hơn ba mươi tuổi, gương mặt trẻ tuổi nghiêm nghị dường như cũng giật mình. “Dẹp lâu rồi, ba bốn năm gì đó.”

Cô ngẩn người, nhớ đến cái tháp đồng hồ vuông vức kiểu Pháp. Kim đồng hồ to đến mức choáng hết bề mặt, lắm lúc lại giở chứng đình công. Chẳng biết nó đã ở đó bao lâu, có từ lúc nào. Nhưng vòng xoay này được tháo dỡ rồi xây mới rất nhiều lần, lúc tròn, lúc vuông, muôn hình vạn trạng. Vậy mà tháp đồng hồ già cỗi lại ngạo nghễ nằm đó, chưa từng thay đổi.

Cô nhìn rồi lại nhìn, cuối cùng cũng thôi đắm chìm vào ô cửa kính.

Cây cầu vượt mới rất đẹp. Nhựa phẳng lì, trơn bóng, bắt đầu từ rất xa, vút lên tận trời cao rồi lại hạ xuống gãy gọn, để lại con đường nó đi qua một khoảng sâu hun hút.

Hoang vu như vậy, khô khốc và trống rỗng, hệt như đáy lòng cô.

Về tới nhà, mưa đã tạnh hẳn. Đón cô ở ngõ hẻm là một thanh niên trẻ, rất cao, làn da ngăm rám nắng. Cậu mặc một chiếc áo thun màu đỏ sậm, đơn giản nhưng sạch sẽ, tóc cắt gọn gàng. Vừa thấy cô xuống xe, cậu chạy đến, nở nụ cười rạng rỡ. “Chị hai!”.

Thoáng chốc, cô lại nhớ đến hình ảnh cậu trong trí nhớ của mình. Thằng bé gầy gò ốm yếu, chân đầy vết sẹo. Thằng bé đầu húi cua, thường nắm lấy tay chị mới an tâm đi vào giấc ngủ. Một thằng bé ngông cuồng hoang dại, nhưng đôi lúc lại nhạy cảm đến mức đáng yêu.

Đã từng gắn bó với nhau như máu với thịt. Mấy ai ngờ được, ngày em trưởng thành, chị lại bỏ đi thật xa.

Không có hoa tươi và những lời sáo rỗng, không có những cái ôm thắm thiết. Đêm đó hai chị em nằm duỗi chân trong căn phòng không có cửa sổ, những ngón chân thon thon, khẳng khiu, xếp không đều nhau. Nhà rất nhỏ, không gian chật hẹp, tường nứt đứt đoạn, thiếu vắng cả một chiếc giường. Chị em cùng nhau đắp một chiếc chăn, thật ấm. Thằng bé nói: “Chị về không báo nên chẳng ai biết. Sáng mai bố sẽ về sớm.” Hàn Ni ngẩng đầu, nghiêng nhìn cậu. Mày rất rậm và thẳng, mũi cao, điểm nét rõ ràng. Cô ôm lấy cậu, ngủ vùi trong vị mặn của hồi ức.

Đêm đó cô có một giấc mơ, có mưa và sương sớm, những bông hoa cúc dại nở trắng xóa con đường làng. Cô thiếu nữ Sài Gòn, tóc xoăn, người dong dỏng cao, mặc chiếc quần jean thời thượng, vạt áo sơ mi trắng cột thành gút. Trong giỏ xe đạp chất đầy bông cỏ lau cao ngút. Thiếu nữ ngoảnh đầu, nở nụ cười tươi rói, khoe ra hàm răng trắng đều típ tắp và đôi mắt sâu hoắm. Đôi mắt như che lấp mọi ưu phiền của thế gian.

Thiếu nữ đó là mẹ của cô.

Bao nhiêu năm rồi, cô mới nhìn thấy bà rõ ràng đến vậy? Thế rồi cô tỉnh giấc, nhận ra mình vẫn đang nằm trong căn gác nhỏ, có tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà. Tường trắng loang lổ. Đâu có có ánh sáng hắt vào. Ánh sáng vàng âm ỉ, dịu nhẹ, nghe nói có tác dụng sưởi ấm tâm hồn. Tiếc thay, đó lại không phải ánh đèn nhà cô.

Rất nhiều đêm, cô đều giật mình tỉnh giấc trong tình cảnh thế này. Màn đêm tĩnh mịch, thế giới hoang phế và trống rỗng, Nhưng không phải thế giới bỏ mặc cô, chỉ là, trong từng ấy năm, cô đã có thói quen đứng bên ngoài thế giới.

Hôm sau trời có chút nắng, thời tiết dịu nhẹ. Bố cô về rất sớm để gặp mặt con gái. Cả ba bố con cùng đi viếng mộ mẹ.

Nghĩa trang nằm ở ngoại ô thành phố. Ở nơi tấc đất tấc vàng, các ngôi mộ mọc lên san sát không còn kẽ hở, chỉ có một bãi đất trống có hàng sứ hai bên. Gần đó còn được tô điểm rất nhiều chậu cây và hoa kiểng. Tiếc rằng hầu hết chúng đều đã úa tàn.

Năm đầu tiên sau khi mẹ mất, mỗi tháng họ đều đến đây. Năm thứ hai biến thành hai tháng một lần. Dần dần, mỗi năm bà chỉ có thể nhìn thấy họ vào thanh minh và ngày giỗ. Tất cả mọi sự vật, dù từng có thời sâu sắc đến mức nào cũng sẽ dần dần mất đi. Con người sẽ chết, cỏ cây sẽ úa màu, và tình cảm sẽ từ từ phai nhạt. Đó là sự lãng quên tất yếu của thời gian.

Khói nhang nghi ngút. Ngôi mộ đắp gạch men sứ trắng toát, sau vài năm đã đóng cặn, thế nhưng gương mặt của người phụ nữ trong ảnh vẫn hệt như bảy năm trước. Không có những cái nhăn mày đau đớn vì bệnh tật hay sự tuyệt vọng ăn mòn xương tủy, khiến gương mặt trở nên dữ tợn yếu ớt. Người phụ nữ ấy vẫn đẹp, với đôi mắt sâu hoắm trong ký ức. Khóe môi bà khẽ nhếch lên, để lộ nụ cười nhạt như nhìn thấu cả cõi hồng trần.

Cũng có lẽ, bà đã nhìn thấu rất lâu, trước khi buông tay, tuyệt vọng với thế giới này.

Ba bố con cùng nhau đốt giấy tiền vàng bạc, khói bốc lên rất cao, có lúc làm mắt cay xè. Thật ra Hàn Ni là người theo chủ nghĩa vô thần, trước đây thường bài xích mê tín dị đoan. Cô cảm thấy những đức tin ấy thật phản khoa học và đi ngược sự phát triển của nhân loại, cho đến khi người nằm dưới lòng đất trở thành mẹ của cô.

Thời gian đó, có vô số đêm, cô đều nằm mơ thấy bà.

Có lúc là cô nữ sinh chân trần, vai đeo chiếc cặp da sáng bóng, khiêu vũ dưới mưa. Lúc là con bé đen nhẻm ngồi trên thuyền vớt rau muống. Thuyền đi rất xa, ra đến tận giữa dòng. Nó chèo mãi, chèo mãi, để lại làn sóng nước mênh mang phủ đầy trên dòng sông hồi ức.

Thoắt cái, bé gái bước qua cánh cổng thời gian, lớn vụt thành thiếu phụ hai con. Mái tóc li ti những sợi màu bạch kim lóng lánh. Đôi mắt sâu không thấy đáy giờ chỉ nhìn thấy tang thương nhỏ giọt. Bà ngồi trên chiếc ghế xô pha màu xanh sẫm, ngón tay trỏ run rẩy chỉ thẳng vào mặt cô, cổ tay vằn vện những vết máu đỏ lòm, chi chít. Giọng bà the thé, phát ra bén ngót từ hàm răng nghiến chặt. “Con quỷ cái!”.

Tiếng thét rất vang, xuyên qua từng ngóc ngách trong không gian heo hút, bay qua thời gian bảy năm dài vô hạn, đập thẳng vào màng nhĩ. Chúng lay động từng cơ quan cảm giác, nhét tuột cô vào mớ hỗn độn giữa nhung nhớ và sợ hãi không lối thoát. Hàn Ni chưa bao giờ nghĩ tiếng nói của một con người lại có thể vừa dữ tợn, lại vừa đau xót đến vậy.

Đó thường cũng là lúc cô choàng tỉnh giấc, nhìn thấy mình vẫn nằm trong gian phòng nhỏ. Đêm tối thui, nhưng vẫn nghe rõ tiếng nhỏ nước tí tách của chiếc máy lạnh cũ, ì ạch và lặng lẽ. Đêm nối tiếp đêm. Ngày nối tiếp ngày. Những giấc mơ đến dồn dập rồi kết thúc không báo trước. Dần dần, khi những giấc mơ ấy không tìm đến nữa, cô mới ý thức được mình đã thật sự bị bỏ rơi.

Đốt vàng mã xong xuôi, Đông Quân, em trai cô bắt đầu dùng vòi để tưới sạch mảnh sân nhỏ. Vòi nước được mượn từ người quản lý nghĩa trang, oằn mình vì cũ nát. Nước chảy lênh láng. Cô cầm lấy chổi, cúi mình, quét sạch tàn dư của tro bụi. Xong xuôi, bố cô lại mang vòi nước đi trả.

Mộ của mẹ cô khá lớn, trần mộ khảm đá hoa cương. Hai bên mộ lại được thiết kế rất đặc biệt, có bục đá làm điểm tựa. Lúc cô quay lại, Đông Quân vẫn ngồi trên bục. Cô vỗ vai, gọi nó cùng về, chẳng ngờ bả vai nó run run. Hóa ra thằng bé đang khóc.

Bảy năm rồi, đến cuối cùng, người còn có thể khóc vì mẹ cô cũng chẳng còn mấy ai.

Tìm mãi mới được gói khăn giấy, cô dúi vào tay nó, giọng nói khàn khàn ra lệnh. “Nín đi! Mẹ sẽ trông thấy đấy.”

Đông Quân dụi lấy dụi để vào mi mắt. Đứa con trai cao gần mét tám, bờ vai lực lưỡng, lúc này mới quay người. Mắt nó đỏ hoe. “Em cũng ước gì mẹ có thể nhìn thấy. Ít ra như vậy có nghĩa là mẹ vẫn ở bên chúng ta.”

Cô mím môi, không đáp lời.

Đông Quân lại nói. “Chị hai, lần này trở về rồi thì đừng đi nữa. Chị muốn chạy trốn mãi đến bao giờ?”.

Gió rất lớn, bắt đầu tạt thẳng vào mặt. Hàn Ni đứng cạnh cây sứ to, thân hình vì thế mà càng trở nên yếu ớt. Cô theo thói quen khoanh tay, ôm lấy bờ vai mình.

“Chị không chạy trốn.” Hàn Ni nói.

“Ừ, chị không chạy trốn, nhưng sống buông thả cũng không phải là cách để chuộc tội đâu.” Đông Quân đã lau khô nước mắt. Lúc nó đứng dậy, cái bóng dài hầu như phủ lấp gương mặt cô.

Thằng bé không nhận được câu trả lời, bởi Hàn Ni đã xoay người, đi như chạy. Sau cùng cô cũng chọn lựa trốn tránh.

Cô đi xuyên qua lòng nghĩa trang. Rất nhiều ngôi mộ vẫn đang xây, bùn đất bám dính vào đôi giày thể thao trắng, vàng vọt nhưng không ô uế. Hai bên đường có vô số mộ phần mọc san sát, chen chúc nhau. Có cái đã mấy mươi năm, ảnh trên bia bị năm tháng vùi lấp đến mức phai nhạt. Có cái mới vài năm nhưng cũng chẳng khá hơn là bao, ngoi ngóp vùng vẫy trong sự xâm lược của đám cỏ hoang um tùm. Bước chân cô chậm lại ở một ngôi mộ đôi còn dang dở. Một nửa lát đá hoa cương đen nhánh, trước bài vị còn có bình hoa và trái cây, xếp thẳng thớm, gọn gàng. Nửa phần mộ còn lại vẫn để trống, chỉ đặt một băng ghế đá, bề thế nhưng lạnh lẽo và trơ trọi.

Một băng ghế đá dài đến vậy, nơi duy nhất có vẻ dành cho người sống giữa chống u linh này, trông thật lặng lẽ và cô quạnh. Còn về phần ai có thể ngồi ở đó, là viếng thăm hay chờ đợi, cô nghĩ kiếp này mình cũng mãi mãi không có được câu trả lời.

Một tháng sau khi mẹ mất, cuối cùng cô cũng hiểu ra lý do con người đều tin vào tín ngưỡng và những gì thuộc về tâm linh, có lẽ niềm tin vào cuộc sống khác sau cái chết khiến con người ta vẫn còn chút gì đó mà bám víu.

Con người, còn sống là còn hi vọng. Nhưng khi họ chết rồi, chỉ có đức tin mới có thể tiếp tục nuôi nấng hi vọng. Chúng thắp sáng linh hồn một số người, lại đẩy số khác vào vực sâu không đáy. Là chuộc tội cũng được, báo đáp cũng tốt. Đến cuối cùng, ai ai cũng về với cát bụi. Tin hay không tin, đã không còn quan trọng nữa.

Con đường ra khỏi nghĩa trang rất dài. Đi mãi đi mãi, Hàn Ni mới nhận ra mình đã nhầm đường. Lúc cô quay lại, hơi nắng cuối mùa mưa vẫn chưa dịu hẳn. Suốt con đường không có chút khô nóng nào, chỉ cảm nhận được cái ớn lạnh lan tỏa đến tận xương tủy.

Tay bẻ một khóm hoa dại. Không rõ là hoa gì, màu sắc ảm đạm, thân lá cũng bạc nhược sầu bi, hệt như số phận của phần lớn sinh linh nơi đây. Nghĩ nghĩ, cô lại lắc đầu. Một mảnh đất tầm thường, nhỏ hẹp, đột nhiên phải chứa đựng xương máu và nước mắt của bao nhiêu người, làm sao đủ sức gánh vác?

Đi mãi rồi cũng ra đến cổng nghĩa trang, dưới chân chẳng còn gì ngoài sỏi và đất cát. Đột nhiên, Hàn Ni nghe thấy ai đó gọi mình. Cô quay người. Dưới ánh nắng vàng đang dần heo hắt, cô nhận ra người phụ nữ trẻ, tay ôm bó hoa ly trắng, xinh đẹp và rạng rỡ. Ánh sáng tựa như xuyên thấu qua cơ thể bà, để lại những vệt màu mong manh gãy vụn.

Đó là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bà mỉm cười với cô.

Hàn Ni cũng cười. Năm năm, tất cả mọi người đều cho rằng cô đang tự dằn vặt mình. Chỉ có bản thân cô biết, trong quãng thời gian đằng đẵng đó, cô đã tìm được sự bình yên từ trong sâu thẳm tâm hồn.

Chí ít thì cô tin tưởng, nếu mẹ nhìn thấy, hẳn bà sẽ tha thứ cho cô.

Giá như hạnh phúc có thể để dành | Giới thiệu

Tác giả: Y.A.O (Stormy Gillie)

Gia nhu hanh phuc co the de danh 3

Lời nói đầu

Có lần tôi đọc được trong một cuốn sách rằng: “Sự ra đời của một sinh mạng, cho dù là cao quý hay thấp hèn, khi chúng kết thúc đều bi thương và vô vọng như nhau”. Thực ra tôi luôn cảm thấy con đường chúng ta đi vốn chỉ có một chiều, dù là vội vã lao về phía trước hay chậm rãi bước từng bước, cuối cùng đều chạm đến điểm kết thúc. Vậy với bản thân một con người, rốt cuộc là họ sợ điểm kết đó hơn, hay sợ bản thân mình sẽ bị quên lãng nhiều hơn?

Tôi từng đọc một câu chuyện. Trong đó có một chàng trai rất yêu cô gái nọ. Nhưng cô gái này là công chúa một nước, sau đó cô ấy được gả sang nước khác, được một năm sau thì xảy ra binh biến mà mất. Chàng trai trốn mình trong nỗi đau thương tuyệt vọng. Nhiều năm sau này, cho dù là mỗi ngày mỗi ngày anh đều nhớ đến cô. Thế nhưng tất cả những bức tranh anh vẽ về cô lại không hề có mặt. Có người hỏi anh vì sao. Anh đau xót nói rằng nhiều năm như vậy, dù yêu cô đến thế, cuối cùng anh vẫn không thể nhớ rõ vẻ mặt cô ra sao nữa rồi.

Thời gian thật sự đáng sợ như vậy đó. Đừng nói là những người thoáng qua trong cuộc đời, cho dù là những người thân thuộc nhất bên cạnh bạn, chỉ cần là một thời gian không liên hệ, bạn cũng nhanh chóng bị họ đẩy vào một góc của lãng quên. Rồi bao nhiêu năm trôi qua, thời gian cũng phủi bụi mờ lên tình cảm lưu luyến mà họ dành cho bạn. Cuối cùng thứ duy nhất còn sót lại trên đời có lẽ chỉ là cái tên, hoặc hơn nữa là vài mẩu hoài niệm trong lòng người nào đó mà thôi.

Câu chuyện tôi sắp kể đây không phải là câu chuyện tình, có thể xem như nó là hồi ức về một thời trẻ tuổi ngông nghênh và cuồng dại. Khi đó, chúng ta luôn cho rằng chúng ta trẻ, chúng ta thích làm những gì chúng ta cho là đúng. Chúng ta theo đuổi những giá trị huyễn hoặc mà người khác không sao hiểu được. Tương lai ở phía trước chúng ta, còn gia đình mãi mãi đứng lại ở phía sau, chỉ cần quay đầu lại sẽ nhìn thấy họ.

Nhưng chúng ta hoàn toàn không nhận thức được rằng cha mẹ rồi cũng sẽ già, sẽ bệnh, sẽ mất đi. Có đôi khi cũng chỉ là một lời hứa hẹn sẽ chăm sóc họ lúc xế chiều, nhưng chỉ cần sóng gió ập đến, bạn cũng không bao giờ có thể thực hiện được. Trong cơn hốt hoảng, bạn mới chợt hiểu được rằng trước đây bạn than vãn rằng mình đơn độc, nhưng lại không biết được rằng, con người chỉ đơn độc khi họ mất đi chỗ dựa cuối cùng của mình.

Có một cánh én nhỏ trên bầu trời, cả đời nó đều kiếm tìm tự do. Nhưng đến khi không còn tổ để quay về mới phát giác ra, cảm giác phiêu linh đó, mới thật sự đáng sợ đến thế nào.

Trong đời mình, chúng ta cũng từng ước mơ.

Nhưng ước mơ nào rồi cũng sẽ lụi tàn, con đường nào rồi cũng đi đến điểm cuối, chúng ta sẽ nhận ra tận cùng thế giới chính là gia đình. Chẳng có ai trên thế giới này yêu thương và che chở cho chúng ta một cách vô điều kiện như cha mẹ cả.

Vậy nên, bạn biết không, giá như hạnh phúc có thể để dành…

Tôi nhất định sẽ không hoang phí như vậy, trân trọng từng giọt từng giọt hạnh phúc khi người ấy còn kề bên tôi…

–oo0oo–

Giá như hạnh phúc có thể để dành – Lời nói đầu

Lời nói đầu:

Gia nhu hanh phuc co the de danh 3

Có lần tôi đọc được trong một cuốn sách rằng: “Sự ra đời của một sinh mạng, cho dù là cao quý hay thấp hèn, khi chúng kết thúc đều bi thương và vô vọng như nhau”. Thực ra tôi luôn cảm thấy con đường chúng ta đi vốn chỉ có một chiều, dù là vội vã lao về phía trước hay chậm rãi bước từng bước, cuối cùng đều chạm đến điểm kết thúc. Vậy với bản thân một con người, rốt cuộc là họ sợ điểm kết đó hơn, hay sợ bản thân mình sẽ bị quên lãng nhiều hơn?

Tôi từng đọc một câu chuyện. Trong đó có một chàng trai rất yêu cô gái nọ. Nhưng cô gái này là công chúa một nước, sau đó cô ấy được gả sang nước khác, được một năm sau thì xảy ra binh biến mà mất. Chàng trai trốn mình trong nỗi đau thương tuyệt vọng. Nhiều năm sau này, cho dù là mỗi ngày mỗi ngày anh đều nhớ đến cô. Thế nhưng tất cả những bức tranh anh vẽ về cô lại không hề có mặt. Có người hỏi anh vì sao. Anh đau xót nói rằng nhiều năm như vậy, dù yêu cô đến thế, cuối cùng anh vẫn không thể nhớ rõ vẻ mặt cô ra sao nữa rồi.

Thời gian thật sự đáng sợ như vậy đó. Đừng nói là những người thoáng qua trong cuộc đời, cho dù là những người thân thuộc nhất bên cạnh bạn, chỉ cần là một thời gian không liên hệ, bạn cũng nhanh chóng bị họ đẩy vào một góc của lãng quên. Rồi bao nhiêu năm trôi qua, thời gian cũng phủi bụi mờ lên tình cảm lưu luyến mà họ dành cho bạn. Cuối cùng thứ duy nhất còn sót lại trên đời có lẽ chỉ là cái tên, hoặc hơn nữa là vài mẩu hoài niệm trong lòng người nào đó mà thôi.

Câu chuyện tôi sắp kể đây không phải là câu chuyện tình, có thể xem như nó là hồi ức về một thời trẻ tuổi ngông nghênh và cuồng dại. Khi đó, chúng ta luôn cho rằng chúng ta trẻ, chúng ta thích làm những gì chúng ta cho là đúng. Chúng ta theo đuổi những giá trị huyễn hoặc mà người khác không sao hiểu được. Tương lai ở phía trước chúng ta, còn gia đình mãi mãi đứng lại ở phía sau, chỉ cần quay đầu lại sẽ nhìn thấy họ.

Nhưng chúng ta hoàn toàn không nhận thức được rằng cha mẹ rồi cũng sẽ già, sẽ bệnh, sẽ mất đi. Có đôi khi cũng chỉ là một lời hứa hẹn sẽ chăm sóc họ lúc xế chiều, nhưng chỉ cần sóng gió ập đến, bạn cũng không bao giờ có thể thực hiện được. Trong cơn hốt hoảng, bạn mới chợt hiểu được rằng trước đây bạn than vãn rằng mình đơn độc, nhưng lại không biết được rằng, con người chỉ đơn độc khi họ mất đi chỗ dựa cuối cùng của mình.

Có một cánh én nhỏ trên bầu trời, cả đời nó đều kiếm tìm tự do. Nhưng đến khi không còn tổ để quay về mới phát giác ra, cảm giác phiêu linh đó, mới thật sự đáng sợ đến thế nào.

Trong đời mình, chúng ta cũng từng ước mơ.

Nhưng ước mơ nào rồi cũng sẽ lụi tàn, con đường nào rồi cũng đi đến điểm cuối, chúng ta sẽ nhận ra tận cùng thế giới chính là gia đình. Chẳng có ai trên thế giới này yêu thương và che chở cho chúng ta một cách vô điều kiện như cha mẹ cả.

Vậy nên, mẹ biết không, giá như hạnh phúc có thể để dành…

Con nhất định sẽ không hoang phí như vậy, trân trọng từng giọt từng giọt hạnh phúc khi mẹ còn kề bên con…