Dòng thông tin RSS

Category Archives: Tản văn

Bạn vẫn còn nhớ dũng khí năm đó chứ?

Dũng khí để yêu

“Con người sống trên đời không thể thiếu tình yêu, song lại không thể chỉ có mỗi tình yêu.”

“Con người sống trên đời không thể thiếu tình yêu, song lại không thể chỉ có mỗi tình yêu.”

Cách đây vài năm, tôi vẫn chưa đọc qua nhiều tiểu thuyết như bây giờ. Lúc đó tôi luôn giữ một sự cố chấp, truyện hời hợt nhất quyết không đọc, những câu chuyện nhàn nhạt, thiếu kịch tính không đọc, song đặc biệt những câu chuyện mà trong đó nam nữ chính không thể đến được với nhau mới là thể loại tôi bị tôi kì thị nhất.

Nói sao nhỉ? Có lẽ vì khi đó cảm thấy tình yêu là thứ gì đó rất thần thánh. Nếu thật lòng yêu thương nhau, vậy tại sao không thể đến với nhau? Tôi luôn nghĩ rằng, trên đời chẳng có gì ngăn cách được tình yêu vĩnh cữu, ngoại trừ cái chết. Thế nên nếu như họ vẫn tồn tại nhưng lại không thể đến với nhau, đó là vì họ yêu chưa đủ. Mà với loại tình yêu như vậy, tôi chẳng thà không cần biết đến.

Vậy mà rất nhiều năm sau này nhìn lại, tôi mới chân chính hiểu được một sự thật, có những suy nghĩ đó, chỉ là vì tôi chưa đủ trưởng thành.

“Con người sống trên đời không thể thiếu tình yêu, song lại không thể chỉ có mỗi tình yêu.” Câu nói này là nhân vật nào của tôi đã từng nhắc đến thế nhỉ?

Mỗi người trong chúng ta đều là một cá thể, bao quanh đó là những mối quan hệ ràng buộc: bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, người thân… Với mỗi một mối quan hệ như vậy, đương nhiên cũng có những vị trí khác nhau. Tình yêu có thể là điều quan trọng, tuy vậy đối với nhiều người, trong đó có tôi, nó lại không phải điều quan trọng nhất. Ví như nếu phải lựa chọn giữa đồng nghiệp và tình yêu, tôi có thể chọn tình yêu, song giữa gia đình và tình yêu, tôi nhất quyết sẽ chọn gia đình. Không có thước đo cụ thể nào cho trái tim, bởi cùng một sự vật, trong những tình huống khác nhau, có thể sẽ dẫn đến những lựa chọn khác nhau.

Gần chục năm trước, khi đọc “Anh có thích nước Mỹ không?”, tôi rất ấn tượng với nhân vật Nguyễn Nguyễn, ngưỡng mộ tấm tình si của cô ấy. Đến giờ tôi vẫn không nhớ rõ tình tiết câu chuyện này, song thứ nhớ nhất lại là phân đoạn Nguyễn Nguyễn ôm hành lý, một mình ngồi tàu hỏa cả ngày để đến thành phố khác thăm bạn trai.

Cảnh tượng đó trong trái tim thời niên thiếu của tôi, phải nói là đẹp đến nao lòng.

Một mặt, tôi luôn cảm thấy Nguyễn Nguyễn rất ngu ngốc. Song mặt khác, suốt nhiều năm, tôi vẫn chờ đợi một người có thể khiến tôi trở thành Nguyễn Nguyễn, bất chấp kết quả mà lao về phía trước. Cho dù kết cuộc của Nguyễn Nguyễn rất bi thảm, song tình yêu của cô ấy đã trở thành bức tường thành trong lòng tôi.

Trong cuộc đời, chỉ cần gặp được một người khiến cho ta vì yêu mà quên đi bản thân mình, cho dù kết quả ra sao, đó cũng là trải nghiệm không uổng phí của kiếp này.

Song giờ đây, đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tôi nghĩ mình sẽ không vì mối tình đó mà khiến bản thân mình trả giá. Dù là giá trị to hay nhỏ thế nào, trong lòng tôi vẫn có cân đo đong đếm. Chúng ta bỏ bao nhiêu cho mối tình này, và liệu chúng ta sẽ nhận được bao nhiêu? Làm thế nào mới có thể vứt bỏ tất cả mà giữ trái tim yêu đương say đắm như thuở thiếu thời?

Có lẽ, tuổi tác con người càng lớn hơn, họ càng yêu thương bản thân mình hơn. Và khi đó sự nhiệt huyết mà họ dành cho tình yêu lại vơi đi, không chỉ một chút.

Tiếc thay, khi nhận ra tất cả những điều này, đó cũng là tiếng chuông báo hiệu chúng ta đã trưởng thành. Và dũng khí để yêu năm xưa cũng đã lùi xa trong hành lang của hồi ức mất rồi.

 

Y.A.O

Sài Gòn 21.1.2017

 

 

Cuộc sống vẫn cần lắm những mảng hồng

Nếu ngay cả những điều tốt đẹp cũng không đáng để tin tưởng, làm sao bạn có đủ dũng khí chống chọi với hiện thực vốn đã rất tàn nhẫn ngoài kia?

Nếu ngay cả những điều tốt đẹp cũng không đáng để tin tưởng, làm sao bạn có đủ dũng khí chống chọi với hiện thực vốn đã rất tàn nhẫn ngoài kia?

Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một thiết bị di động, một cục wifi hoặc 3G là một người ở tận Châu Mĩ cũng có thể tượng tận đám cưới của một ai đó lạ hoắc nào đó bên kia thềm đại dương. Thực tế khi khoa học kéo chúng ta lại gần hơn, càng có những tấm gương hiển thị trước mắt hơn, con người càng trở nên vô cảm và tràn đầy nỗi hoài nghi vào cuộc sống.

Hãy tưởng tượng một ngày của bạn bắt đầu như thế nào nhé.? Sáng ra, bạn vào mạng xã hội và đọc được hàng chục thông tin về những vụ lừa đảo mà chắc chỉ có khổ chủ mới biết có bao nhiêu là thật, bao nhiêu chỉ là để câu like. Tệ nạn xã hội thì tràn lan nối tiếp nhau. không lúc nào dừng, nhìn mãi cũng cảm thấy nhờn mắt.

Mục xã hội là thế, trong khi bạn nhâm nhi tách cà phê và lướt trang thông tin gia đình thì mọi thứ cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Mỗi ngày đều có vô số những cô vợ lên than vãn vì chồng mình ngoại tình, những ông chồng kêu ca về cô vợ đanh đá ghen tuông. Mẹ chồng hục hặc với con dâu, bạn bè lừa gạt, đạp nhau lên đẩy nhau xuống chỉ vì chức vụ và đồng tiền, con cái thì đẩy mẹ ra khỏi nhà để chiếm đoạt gia sản. Hơn thế nữa là những cặp vợ chồng sắp ly hôn cứ đáp trả nhau liên tục trên mục tâm sự – hôn nhân gia đình. Cũng chẳng ai thắc mắc xem vì sao họ có thời gian bày tỏ dài như thế trên báo mà một lá thư riêng tư cũng lười viết cho nhau.

Đành rằng cảnh giác là rất cần thiết, thế nhưng bắt đầu một ngày như thế, hẳn bạn sẽ chẳng tránh được mệt mỏi. Thật ra đó cũng là tâm sự chung của rất nhiều rất nhiều những người trưởng thành đang bơ vơ giữa xã hội này, khi mỗi ngày họ đều phải trải qua những bữa sáng đơn điệu và phiền não như thế. Cái họ cần, đôi khi chỉ là một chút xíu lòng tin.

Có một thực tế là, những trí thức càng đọc nhiều bao nhiêu thì họ lại càng có một nỗi hoài nghi to lớn về đời người. Cứ mãi thông tin về những người chồng tệ bạc thì bao nhiêu cô gái có dũng khí cho đi? Cứ nhìn mãi những đứa con ngỗ nghịch và bất hiếu thì làm sao dám chắc họ đủ ngoan cường để đánh cược tuổi thanh xuân của mình cho một đứa trẻ mà chẳng biết sau này có chăm sóc nổi khi họ tuổi già sức yếu hay không?

Chẳng mấy ai trong chúng ta tin chuyện cổ tích là có thật cả, thế nhưng chẳng phải hàng ngày những người cha người mẹ vẫn rót vào tai bọn trẻ về một thế giới thần tiên ảo mộng, nơi cái thiện chiến thắng cái ác, nơi nàng Lọ Lem có cơ hội thay đổi cuộc đời đó sao? Đôi khi cuộc sống cũng cần lắm những mảng màu hồng, không phải để giam mình trong ảo tưởng, mà hãy đơn giản một chút, xem nó như động lực thúc đẩy chúng ta hướng về tương lai tốt đẹp hơn.

Gần đây, xã hội chúng ta lại xôn xao mỗi ngày vì một đám cưới diễn ra tít bên trời Trung, và bắn đại bác cũng chẳng có chút quan hệ dây mơ rễ má gì với tám mươi triệu dân Việt Nam này. Đám cưới xa hoa quá, người ta dè bĩu: “Pr cả đấy.” Chú rể dạn dĩ thốt ra những lời chân tình quá, người ta lại bảo: “Ảo tưởng quá rồi.” Nhìn thấy người ta hạnh phúc, lại có người bảo: “Đoán xem họ hạnh phúc được bao lâu.” Và kỳ lạ thay, thay vì những lời chúc tụng khi chứng kiến đám cưới một người, một bộ phận không nhỏ cư dân mạng lại cứ cảm thấy gai gai mắt trước cái sự kiện hoành tráng này, và họ lật tẩy, họ tìm cách vén màn cái mà họ cho là giả dối, cốt để tìm ra sự thật mà họ hằng tin tưởng.

Cùng một sự việc, thế nhưng khi chúng ta dùng những ánh mắt khác nhau để nhìn thì cũng sẽ nghiệm ra được những điều khác nhau.  Tựa như những bộ phim thiếu nhi cũng chẳng phải chỉ là dàn dựng đó sao? Nhưng hơn hết, nó thổi lên một niềm tin vào những mầm non sắp trưởng thành, những câu chuyện cổ tích ngớ ngẩn với nội dung sàn sàn na ná nhau lại là quyển sách gối đầu của bao đứa trẻ, để chúng tin rằng ngoài thế giới kia thật tươi đẹp, chỉ cần làm người tốt hẳn sẽ được báo đáp.

Lúc còn nhỏ, tất cả chúng ta đều có niềm tin vào một thế giới tốt đẹp như thế, song càng trưởng thành, chúng ta càng quên đi những niềm tin ban sơ của thuở ban đầu, và càng dấn thân vào xã hội bao nhiêu, chúng ta càng bị xói mòn lòng tin bấy nhiêu.

Thực tế, ngay cả những câu chuyện cổ tích cũng chẳng thể nào chắc chắn rằng hoàng tử và công chúa có thể sống hạnh phúc đến bạc đầu. Có thể hoàng tử sẽ là một người gàn dở, thích ba hoa và ấu trĩ,  công chúa biến thành mụ đàn bà đanh đá chua ngoa, thế nhưng  vì sao trong những câu chuyện cổ tích ấy luôn hạ màn vào những thời khắc hạnh phúc nhất? Chẳng phải chúng chỉ muốn gieo những hạt giống hi vọng nhỏ nhoi vào lòng người đó hay sao?

Thế nên mới nói, đôi khi cuộc sống cũng cần lắm những mảng màu hồng. Nếu ngay cả những điều tốt đẹp cũng không đáng để tin tưởng, làm sao bạn có đủ dũng khí chống chọi với hiện thực vốn đã rất tàn nhẫn ngoài kia?

Nếu như trưởng thành bắt buộc phải đánh mất, tôi không cần

Có rất nhiều người, sau khi bước chân vào xã hội, trải qua rất nhiều sự việc khác nhau, họ trưởng thành và chững chạc hơn, sau đó lại quay lại nhìn những cô gái non nớt hơn mình rồi cười bảo: “Thật ngây thơ”.


Nụ cười ấy, vừa châm chọc, lại vừa khiêu khích biết bao.

 

Tôi không cảm thấy những cô gái đó hơn người, cũng không ganh tị với họ, bởi vì mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau. Những cô gái ngoan cường và thành đạt như thế họ đã trả giá rất nhiều, cũng đã đánh mất đi nhiều thứ mới có thể đạt được cái mà họ gọi là sự trưởng thành ấy.

nhung-nguyen-nhan-khien-ban-hanh-phuc-hon-khi-dang-yeu-5

 

Thế nhưng tôi cũng không cảm thấy ngây thơ có gì xấu. Trong tất cả chúng ta, có mấy ai chưa từng trải qua những thời khắc ngây thơ nhất? Chúng ta đều đều đã từng nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, từng cho rằng tương lai tràn ngập những điều tốt đẹp, đều từng cảm thấy tình yêu chính là thiên trường địa cửu. Thế rồi chúng ta lớn lên, cuộc sống giữa người và người dần dần bào mòn đi những niềm tin ban đầu đơn sơ ấy. Vì cuộc sống, vì mưu sinh, chúng ta phải cười ngay cả khi chúng ta không thích, phải nói những lời thật sáo rỗng, những lời khen giả tạo, trét lên mặt lớp phấn dày cộm cùng với niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta đã trưởng thành, và sự đổi thay đó chỉ là tất yếu.

 

Thế nhưng tôi lại nghĩ, trưởng thành như thế, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất.

 

Ví như có một người cô gái, rõ ràng là rất ghét một phụ nữ khác cùng xóm. Thế nhưng mỗi khi gặp nhau, họ lại hàn huyên không dứt và cùng nhau thảo luận về chuyện xấu của một người hàng xóm khác. Hành động như thế có gì vui chăng?

neu-nhu-thuong-thanh-bat-buoc-phai-danh-mat-5

Lại ví như một nhân viên lão làng nọ, tuy vô cùng chán ghét con bé cấp dưới của mình, mỗi lần gặp lại vỗ vai gọi chị xưng em, nhưng quay lưng đi lại cười cợt với những người khác rằng mong con bé nghỉ sớm đi cho khuất mắt. Rõ là không ưa nhau đến thế, sao lại phải cố gắng chịu đựng nhau?

 

Tôi luôn cảm thấy thế giới của người lớn thật đáng sợ, tựa như mỗi người đi trên đường đều mang trên mình một chiếc mặt nạ, cười hay khóc, vui hay buồn, sau cùng chỉ có bản thân người đó biết. Đêm đến lại vật vã giam mình trong nỗi ám ảnh và phiền muộn hữu hình mang tên vật chất, mang tên con người, cam lòng chịu đựng rồi lại tự cảm thấy rằng bản thân mình rất đáng thương. Sáng hôm sau lại đeo mặt nạ vào, tiếp tục một quãng hành trình mòn mỏi thê lương trong tuần hoàn.

 

Tôi nghĩ, nếu như sự trưởng thành bắt buộc phải là như thế, vậy thì tôi không cần.

fasdz

Trên đời này có bao nhiêu người có thể giữ được niềm tin thuở ấy, bao nhiêu người có thể không vì cuộc sống mà đổi thay? Hẳn là những người trưởng thành sẽ cho rằng suy nghĩ của tôi là buồn cười lắm, nhưng hãy thử nhìn lại, một khi phải tự ép mình phải thay đổi, tự ép con người mình trở thành một người khác, bản thân bạn có hạnh phúc hay không?

 

Thật ra tôi cho rằng mình không phải sợ sự trưởng thành, mà là sợ hãi sẽ có một ngày mình thay đổi, trở thành một người mà mình từng rất ghét trong quá khứ.

 

Thế gian này vạn vật xoay vần, không ai có thể ngăn trở việc mình sẽ dần già đi, dần trở thành một người khác. Tôi chắc chắn rằng hôm nay mình đã không còn là tôi của ngày hôm qua, cũng không dám khẳng định ngày mai mình sẽ không thay đổi, thế nhưng ngay khi còn có thể, tôi hy vọng mình vẫn có thể mãi mãi như thuở ban đầu, bởi vì sống trên đời này, mấy ai còn được mấy lần ngây thơ?

 

Cuộc sống vốn dĩ là chờ đợi

Cuộc sống là gì? Là những chuỗi ngày mong đợi một điều gì khác sẽ đến. Trẻ em mong đợi trưởng thành để có thể trở thành người lớn, học sinh đợi hết tiết để về nhà, nhân viên công sở mong hết tuần để được nghỉ ngơi, người người đợi chờ, ngày ngày chờ đợi. Có lẽ vì thế nên cuộc sống vốn dĩ là đợi chờ chăng?

6cc9fc47f759a36e1ff18cb634a2743d

Tôi thích một bài hát nước ngoài, không chỉ bởi giai điệu mà còn vì trong bài có một câu hát rất ý nghĩa. “Tôi đang đợi một người, đợi tình yêu vĩnh hằng của tôi, xin mọi người đừng lo lắng.”

Có một thứ cảm giác, dường như tất cả chúng ta đều phải sống trong sự đợi chờ. Đi ngang qua con phố, có những người ở trạm xe bus chờ đợi chuyến xe của mình. Trong thời gian đó có rất nhiều chuyến xe khác đến, cũng rất nhiều chuyến trôi qua. Thế nhưng bởi vì đã có đích đến, họ chỉ chờ mỗi chuyến xe của riêng họ mà thôi.

Người chưa yêu thì đợi một người khiến họ yêu, người đã yêu đợi chờ kết thúc thật đẹp bên gia đình mới, người có gia đình lại đợi chờ những đứa con, có con rồi thì lại đợi chờ con trưởng thành. Thế nên tôi mới nói, cuộc sống không phải đợi chờ thì rốt cuộc là điều gì?

Có đôi khi, có những việc nhỏ nhoi khiến chúng ta khó chịu vì phải chờ đợi. Bạn mệt mỏi vì phải xếp hàng đi thang máy, có người nản lòng vì học mãi mà chẳng đợi nổi tấm bằng tốt nghiệp, cũng có những người, vì đi mãi đi mãi trên con đường mà vẫn không tìm được ai đó thuộc về mình, thế là bỗng nản lòng thoái chí, thế thôi.

734b2017jw1ehkkr3eww8j20dc08vmxl

Thật sự, chúng ta rất dễ nhận ra mỗi khi mình mệt mỏi và chán chường, thế nhưng ít ai nhận ra khi vượt qua được điểm thoái trào đó, rốt cuộc chúng ta vẫn phải đứng lên, tiếp tục một quá trình chờ đợi không hồi kết.

Có người hỏi tôi, đợi mãi thế, chờ mãi thế, rốt cuộc thì sống để làm gì?

Tôi trả lời: Tớ cũng không biết, có lẽ vì tớ vẫn chưa đi hết chu trình đợi chờ đó.

Năm 16 tuổi, tôi từng mong đợi một người sẽ xuất hiện để tôi yêu. Nhưng tôi đợi, dường như thời gian đã trôi qua rất lâu rồi mà người ấy vẫn chưa xuất hiện. Thế nhưng tôi chưa bao giờ mất kiên nhẫn, bởi mức chịu đựng của con người là không có giới hạn. Và ngoài kia có bao người cũng giống như tôi, mãi đợi chờ một điều gì đó thuộc về bản thân mình.

Bạn biết không, cho đến giờ tôi vẫn nghĩ sự đợi chờ, bản thân nó đã là điều kỳ diệu.

Tựa như lúc còn nhỏ, chúng ta học được bài học về chiếc lá cuối cùng, một chiếc lá bằng màu vẽ lơ lửng bên cửa sổ, rốt cuộc đã cứu sống một mạng người, cho dù tác giả của nó không còn nhìn thấy kết quả nữa.

7f9e9b4dgw1ehkk6u1uw6j20gj0d240e

Tôi nghĩ, chờ đợi là mệt mỏi, nhưng nếu không còn có điều gì để đợi được nữa, điều đó gọi là tuyệt vọng.

Tôi cũng chẳng mấy hứng thú gì với những sự mệt mỏi không tên, thế nhưng tôi càng sợ hơn nữa nỗi lo tuyệt vọng.

Tôi nhớ, từng có một người mẹ mắc bệnh ung thư. Trong những ngày cuối cùng, ước nguyện của bà chỉ là có thể nhìn thấy con gái thành gia lập thất.

Có người cha nọ, vì con học đại học mà mất mấy mẩu ruộng, đến ngày tốt nghiệp, ông bị tai nạn trên đường trường con. Ngay cả một lần con mặc chiếc áo cao quý ấy, ông cũng chẳng có cơ hội nhìn thấy.

Và còn có bao nhiêu, bao nhiêu người bên ngoài kia, dù chỉ một lần chờ đợi cũng không thể

Nếu như bạn vẫn còn có cơ hội để chờ đợi một ai đó, hẳn đó cũng là một loại hạnh phúc.

Vậy nên, ngại ngần chi vài lần chờ đợi trong đời, có phải không?

Đinh Dao

Vì sao con người ta phải kết hôn?

Có người nói, kết hôn giống như tìm một người mua cả cuộc đời mình. Sau ba mươi tuổi, không người phụ nữ nào muốn đi về một mình cả. Cô ấy chẳng thà đã từng kết hôn rồi, bởi vì một người phụ nữ đã kết hôn, cho dù tan vỡ, dù chia ly, nhưng ra đường cũng đỡ bị ức hiếp hơn.

734b2017jw1edpy18gyskj20hs0bxmzm

Tôi có một cô bạn mới hai mấy tuổi mà mỗi ngày đều đau đầu vì bị gia đình ép cưới. Nàng ta bảo xã hội bây giờ không như thời phong kiến, yêu ai nấy gả, chỉ là không hiểu sao bao năm nay vẫn không tìm được ai vừa ý. Có lúc bị ép đến túng quẫn quá, nàng còn sẵng giọng tuyên bố không bao giờ lấy chồng.

Thế nhưng, tôi đảm bảo đó cũng chỉ là ý nghĩ nhất thời của cô bạn tôi và một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên khác mà thôi. Bởi con người sinh ra vốn dĩ sợ đơn độc. Hầu hết chúng ta đều sợ, sợ lắm cái cảm giác dùng cơm một mình, một mình dạo phố, một mình xem phim. Nếu chỉ đơn giản là vài hôm ngắn ngủi thôi thì không nói làm gì, nếu phải đơn độc cả đời, mấy ai dám nói không sợ hãi đây?

Có lần nọ đọc báo, thấy tin một người phụ nữ kỳ lạ qua đời trong nhà sáu tháng trời mà không ai biết, tất cả cũng chỉ vì bà ta không có người thân nào, cô bạn lại tất tả gọi điện cho tôi. Ban đầu chỉ là một cái hẹn cùng café tám chuyện, sau đó nàng mới thành thật thỏ thẻ, nàng sợ lắm nếu một ngày người thân không còn nữa, phải chăng một mình mình cũng cô độc giữa cõi đời như thế? Bạn bè thì cũng chỉ quan tâm nhau ở một mức độ nào đó thôi chứ làm sao để tâm nhau cả đời? Chốt lại, nàng bảo: “Tao không muốn khi chết cũng không có ai biết.”

734b2017tw1egxdtc1v8lj20c80c80tq

Thế là, kể từ hôm ấy, cô bạn mọi khi vẫn thờ ơ với tình yêu và hẹn hò như nàng ta lại tất tả lao vào những cuộc xem mắt, giới thiệu. Nàng yêu điên cuồng, sống vội như thể tự tay săn tìm một người sống cả đời với mình, chứ không chỉ là ngồi chờ như trước kia nữa.

Thế mới thấy nỗi sợ hãi thật sự có tác dụng rất thần kỳ, có thể thúc đẩy ta đi nhanh hơn những gì ta muốn. Ở đây, với những người con gái ở tuổi kết hôn, có lẽ họ không cuồng, không vội, bởi cô độc chẳng có gì đáng sợ cả. Khi còn trẻ, bạn cô độc vẫn có bạn bè và người thân bên cạnh, nhưng khi về già thì thế nào? Khi bạn bè không còn bên ta nữa, người thân cũng dần bỏ ta mà đi, lúc ấy, ta lại nhấm nhuần biết bao những lời người đi trước đã từng dạy bảo.

Ừ thì, cô độc có gì đáng sợ đâu. Thứ khiến người ta sợ hãi là cô độc đến cuối đời. Trọng tâm cũng chẳng phải “cô độc”, mà là ba chữ “đến cuối đời” ấy. Thứ cảm giác khi về già ngồi một chỗ, nhìn con cháu người khác xum vầy trong khi bản thân mình cô đơn quạnh quẽ, điều ấy mới nghẹn ngào làm sao.

734b2017tw1egwk3dpepfj20c80ibaar

Chung quy, tất cả chúng ta đều cần phải kết hôn, cần phải lựa chọn cho mình một cuộc sống như ý muốn và chịu trách nhiệm với nó. Trong đời có thể yêu rất nhiều người, nhưng đôi khi người có thể nắm tay đi đến hết con đường chỉ xuất hiện một lần mà thôi. Vì thế, hãy nhớ rằng một khi người đó xuất hiện, nhất quyết đừng buông tay người ấy ra chỉ vì những lý do vặt vãnh. Nên nhớ rằng dù muốn dù không phụ nữ vẫn cần có một người đàn ông ở bên cạnh mình đến cuối đời. Hoặc giả, cho dù bạn phạm phải sai lầm đi chăng nữa, thì phụ nữ đã từng kết hôn, ra đường vẫn đỡ hơn những người già cô đơn…

Đinh Dao

Gái 30 còn trinh thì sao?

Có lần, tôi đọc trên mạng xã hội câu chuyện về một thầy giáo nam “tự khoe” rằng trong 2 năm, anh ta đã vào nhà nghỉ với hơn 20 cô gái. Chẳng những không biết xấu hổ về cách sống phóng túng của mình, anh ta còn thản nhiên đưa ra nhận xét: “99% con gái bây giờ không còn trinh trắng. 1% còn lại không dở hơi, thần kinh thì cũng chẳng ra gì.” Không biết khi kể ra câu chuyện ấy, anh ta có tự thấy nhục nhã không, chứ bản thân tôi lại rất cảm thấy xấu hổ thay phần của anh ta, một thầy giáo, người sẽ dẫn dắt bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt trở thành tương lai của đất nước, lại có một nhận định ấu trĩ đến thế.

7184820btw1ego1ewyn6bj20c8087wet

Tôi chẳng người cổ hủ, những cũng không phải quá phóng túng, tuy nhiên thói đời thật kỳ lạ, mọi thứ dường như đang đi ngược lại với những giá trị đạo đức thông thường. Xã hội bây giờ đã có những cái nhìn thoáng hơn về chuyện trinh tiết của người phụ nữ, quan hệ trước hôn nhân đã được ngầm chấp nhận đồng nghĩa với việc người phụ nữ không còn trinh tiết được xem là chuyện bình thường. Thế nhưng vấn đề còn lại ở đây lại là những người phụ nữ cố giữ mình để dành trọn cho một nửa đích thực, họ là những người đã 25 tuổi, gần 30 tuổi thậm chí qua 30 vẫn còn trinh tiết thì lại bị nhiều người cho là bất bình thường.

Thế gian này đôi khi vẫn có những điều tréo ngoe như thế. Trong một môi trường mà tất cả những cành cây đều vươn nhánh lên cao, chỉ có chúng ta ì ạch mãi không phát triển, chúng ta sẽ bị xem là bất bình thường. Ngược lại, một cành cây xanh tươi mơn mởn, đâm chồi nảy lộc lẻ loi giữa đồng cỏ hiu quạnh cũng dễ dàng bị đóng khung trong ba chữ “bất bình thường” ấy.

7184820bjw1egndepu8t5j20c80990sy

Phụ nữ gần 30 còn trinh tiết có gì lạ lắm sao? Là bất bình thường sao? Hà cớ gì thói đời bàn tán thế không biết? Đúng ra họ phải là những người phụ nữ đáng được trân trọng, đáng được yêu thương thì giờ lại trở thành chủ đề tám, khinh miệt của không biết bao nhiêu người.

Trinh tiết chẳng phải vấn đề quan trọng, con gái còn trinh đôi khi cũng không hẳn là vì bảo thủ. Có đôi khi, tấm màng tưởng có thể thanh thản tu bổ chỉ với vài triệu đồng kia lại đáng giá hơn chục lần so với số tiền cân đo đong đếm được ấy. Nó không chỉ đại diện cho sự kiên nhẫn, giữ mình của một cô gái, mà còn tượng trưng cho lòng kiêu hãnh, tình yêu và khát khao dâng hiến tuyệt đối cho người con trai sẽ bước vào đường đời của mình sau này.

Có lẽ, có người sẽ cho rằng những cô gái này đều có suy nghĩ như thế đều nhìn đời qua lăng kính màu hồng, được nhiều người bảo hộ. Những người như thế một khi vấp ngã trong tình yêu sẽ càng dễ tuyệt vọng hơn những người khác. Thế nhưng bạn biết không, cho dù có vấp ngã trễ một chút, thì với niềm tin đã gìn giữ suốt bấy nhiêu năm, tôi tin rằng cô ấy cũng đủ để khiến người khác phải trân trọng rồi.

image (8)

Còn đối với người con trai sẽ trở thành người đầu tiên của cô gái ấy, cho dù bọn họ có thể cùng nhau đi đến cuối đường hay không thì hẵng anh ta cũng phải rất hãnh diện vì đã yêu và được một cô gái như thế yêu hết lòng.

Có thể, sẽ có người cười cợt bảo “giữ làm gì trong khi trong quãng đời còn lại, cô ấy vẫn sẽ làm tình hàng trăm, hàng ngàn lần với người sẽ làm chồng cô ấy?” Nhưng xin thưa, vấn đề cũng chẳng phải ‘bao nhiêu lần’, mà là ‘lần đầu tiên’. Cũng như bạn có thể có hàng chục người yêu trong suốt cuộc đời mình nhưng chẳng ai có thể quên được hương vị của mối tình đầu. Lần đầu tiên nắm tay, lần đầu tiên hôn môi, lần đầu tiên làm tình… Tất cả những cái lần đầu tiên ấy, cho dù có trải qua bao nhiêu lần cũng chẳng bao giờ phai nhạt. Và bao nhiêu chàng trai có thể vỗ ngực xưng tên rằng: “Tôi không quan tâm lần đầu tiên của vợ tôi là dành cho ai?” Câu hỏi này tôi xin nhường lại cho các anh. Để đến một lúc nào đó, chúng ta cùng thảo luận xem những người trả lời ‘không’ có phải là bất bình thường hay không.

7184820bjw1egnj9ifl3bj20c80ce3yn

Tôi nghĩ, trong thời đại này, phụ nữ đâu phải ai cũng mất trinh, ai cũng từng cho đi tất cả vì  tình yêu? Đâu đó vẫn còn biết bao nhiêu người phụ nữ luôn biết giữ mình. Giữ, cũng chẳng phải là vì bảo thủ, mà chẳng qua vì họ đang chờ đợi sẽ gặp được một người có thể khiến họ toàn tâm toàn ý cho đi tất cả, từ thể xác đến tinh thần. Những cô gái như thế đều có những suy nghĩ, những mong muốn rất riêng, họ bình thường như bao nhiêu người con gái khác. Mà điểm khác biệt nhất nếu có, chính là họ càng đáng để trân trọng hơn mà thôi.

6.6.2014