Dòng thông tin RSS

Thứ Dân – Chương 18

Tha Dữ Đăng

Dịch: Tịch Dương Mùa Hạ

Thu-dan-18

“Bản chất cuộc đời là tro bụi, chung quy cũng phải vì một thứ nào đó, một người nào đó mà cuồng dại thiêu đốt đến tận cùng.”

CHƯƠNG 18: LƯỠI DAO MỀM MẠI

Tân Nô đi rồi, Lục Dĩ Phương mới đẩy đẩy đống bài trước mặt Tống Ý Nhiên.

“Đến lượt muội đi đấy.”

Họ đang chơi bài Lá Cổ (1), tổng cộng có bốn mươi tám lá bài. Lúc này đã đánh gần xong. Tống Ý Nhiên mất hết hứng thú, chỉ nhìn lướt qua lá bài trên tay.

“Tẩu tẩu lại thắng rồi.”

Lục Dĩ Phương cười cười. “Còn chưa tới lúc nói câu này đâu. Đào Chu Công còn chưa đánh ra mà. Hôm nay muội chi mạnh thế, hẳn sẽ có vận may gặp được thôi.”

Tống Ý Nhiên uống một ngụm trà vừa nhận từ tay tì nữ, lúc này mới duỗi tay lật một quân bài trong xấp bài trước mặt.

Nàng vừa lật vừa nói: “Hôm nay lạnh quá, than không đủ ấm, ngón tay cũng cứng đờ…”

Nói rồi, nàng liếc nhìn quân bài đang siết chặt, bất giác nở nụ cười. “Tẩu trăm phương ngàn kế cũng phải để muội thắng à?”

Trương phu nhân lắc đầu chán nản: “Vậy không cần đánh nữa…”

Lục Dĩ Phương cười nhẹ. “Cũng không thể nói vậy. Do hôm nay muội ấy may mắn thôi”

Tân Nô vừa quay lại, tự xào bài cho họ. Lúc chia bài lại nhìn Lục Dĩ Phương, gật đầu nhẹ.

Lục Dĩ Phương nhìn ra ngoài. Ngoài màn cửa đã có hai hàng người, xếp ngay hàng thẳng lối. Nàng ta nghiêng đầu nhìn kỹ từng người một, thấy không có Kỷ Khương trong số đó. Nàng ta liếc nhìn Tân Nô. Đây là sự ăn ý của riêng hai người họ.

Chuyện quản lý gia đình, đặc biệt là quản lý hậu viện của một nam tử có nhiều thê thiếp như vậy, quan trọng nhất là vừa phải bảo vệ được mọi người, vừa âm thầm khiến bọn họ cắn xé nhau sau lưng mà không để lại chút dấu vết nào. Lúc sống trong cung, nàng ta đã nhìn thấy biết bao thủ đoạn như thế. Đã tàn nhẫn, lại phải giả vờ như có hai ba phần ý tốt muốn giúp cho người khác trưởng thành.

Nói thế nào đây? Nàng ta rất hưởng thụ cảm giác làm một người bố trí cục diện như thế.

Giống như bây giờ vậy. Nàng ta mời Tống Ý Nhiên tới, cũng hiểu rất rõ rằng Kỷ Khương sẽ không tránh được kiếp nạn này, nhưng vẫn dùng một lớp màng mỏng để bảo vệ nàng. Cho dù Tống Ý Nhiên có nhớ điểm tốt của nàng ta hay nhớ những gì nàng ta đã làm hay không, thì trước mặt mọi người, nàng ta vẫn có dáng vẻ “lòng dạ nhân từ” ấy.

Lúc này, nàng ta giơ tay ra hiệu ngừng ván bài, nói với Tống Ý Nhiên: “Ý Nhiên, nói thế nào đây?”

Tống Ý Nhiên bước đến trước cửa, nhận lấy chiếc sưởng y trên tay tì nữ. Nàng vén một góc màn tuyết lên. “Nô tì trong phủ không bao nhiêu, có người có mặt, người vắng mặt. Bảo họ đến nhận theo thứ tự đi. Chọn xong rồi vào đây, ta lại thưởng thêm cho họ một món quà.”

Lục Dĩ Phương bảo Tân Nô ra truyền lời, lại nói: “Còn đánh tiếp nữa không?”.

Tống Ý Nhiên tựa vào khung cửa. “Không đánh nữa, không có hứng. Quanh co một hồi chẳng phải cũng là tẩu tẩu và mấy vị phu nhân nhường muội sao? Tẩu vui, chưa chắc họ đã chịu. Muội biết muội tới chỗ tẩu, mấy vị phu nhân không hài lòng, cảm thấy muội không xứng ngồi chung với họ. Muội không đánh nữa. Ngồi uống mấy cốc trà nóng đã. Mọi người chơi đi.”

Trương phu nhân vội nói: “Bọn ta đâu có ý này. Thể diện của Dương phu lớn hơn trời, quả thật ta đây mặt dát vàng mới dám đến vui vẻ với Dương phu nhân đấy.”

Tống Ý Nhiên cười một tiếng, cũng không tiếp lời nàng ta. Nàng nghiêng người ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh cửa.

Nàng không đánh, Lục Dĩ Phương cũng buông bài xuống. Hai người còn lại trong bàn cũng nhao nhao không vui, không đánh nữa, dứt khoát hạ bài xuống bàn, đến ngồi hai bên. Có người từng nghe nói, Dương Khánh Hoài chỉ hận không thể vét sạch nhà mình để Tống Ý Nhiên được sống giàu sang. Tuy rằng họ không ưa con người Tống Ý Nhiên, nhưng cũng muốn nhìn thử xem, rốt cuộc nàng có bản lĩnh gì.

Hơn nữa hôm nay nàng gióng trống khua chiêng đến, đòi ban thưởng cho người trong phủ huynh trưởng, trừ việc lấy tiếng trong phủ mình, dường như còn có ý tứ đặc biệt nào đó mà không nói rõ được. Mọi người đều tò mò, sôi nổi ôm lò sưởi trên tay, tụ lại nhìn ra ngoài màn che tuyết.

Bên ngoài màn che, bóng hoa tuyết rơi lả tả. Lúc này đã về chiều, trời trong vắt, có ánh nắng và hoa tuyết sáng ngời rơi xuống vai bọn hạ nhân. Con người Tống Giản thích yên tĩnh, cuộc sống thường ngày cũng không yêu cầu quá nhiều. Vì vậy mà tổng cộng số hạ nhân trong phủ chỉ khoảng ba mươi người. Lúc này Tân Nô và Trương Càn dẫn đầu, đều tụ lại đứng dưới bậc thềm bên ngoài gian nhà khách.

Cái gọi là ban thưởng chỉ là mấy thứ đồ vàng bạc. Cũng có những thứ như ngọc bội, chuỗi vòng đàn hương mà các chủ tử thắng được bên ngoài.

Nàng nói ban thưởng thì cứ ban thưởng vậy.

Trương phu nhân chép miệng. Tuy rằng những thứ này thường gặp, nhưng cũng chưa thấy ai mang ra thưởng cho bọn nô bộc cả.

Phu quân nàng ta nhậm chức ban sai (2) trong nha môn phủ Thanh Châu, nghe nói mấy tri phủ Thanh Châu tiền nhiệm đều là quan thanh liêm, vì bất hòa với Lục Giai về chuyện quân sự và dân sinh nên mới lần lượt rơi đài. Nay Dương tri phủ này, thường ngày chẳng lo chuyện gì, chỉ biết nịnh nọt Tống Giản, toàn lực vơ vét. Triều đình không quản nổi. Phía Tấn Vương thì chỉ theo ý Tống Giản, để hắn ầm ĩ nâng Tống Giản lên tận trời.

Nhưng đây chẳng qua cũng chỉ là cái nhìn của phụ nữ. Triều đình Đại Tề luôn cố hết sức áp chế ngoại phiên (3). Từ thời của Tống Tử Minh thì toàn bộ quyền cai trị dân chúng vùng đất phiên đều nằm trong tay triều đình. Quan viên địa phương nhận lệnh của triều đình, mấy năm lại thay, mục đích chính là vì không để bọn họ có quan hệ thân mật với các phiên vương, thậm chí xem đất phiên như quốc gia của mình.

Hai vị tri phủ Thanh Châu trước đây cũng là vì hiểu rõ sự nhạy cảm này nên mới không chịu thuận theo Lục Giai, dù họ biết Lục Giai là người ngay thẳng, luôn lo nghĩ cho dân. Nhưng chính trị chính là chính trị, cho dù có là người trong sạch hơn nữa thì chiếc bóng để lại trên mặt đất vẫn là màu đen tối.

Cho nên cuối cùng, hai bên đều lưỡng bại câu thương. Quá nhiều người cản trở, Lục Giai cũng không tự do tự tại ở Thanh Châu, thôi thì dứt khoác mượn cớ về quê chịu tang để giao lại tình hình rối ren này cho con rể mình. Thủ đoạn của Tống Giản tàn nhẫn hơn Lục Giai, cũng kín đáo hơn. Y đẩy Dương Khánh Hoài ra trước, mặc hắn làm xằng làm bậy với danh nghĩa triều đình, khiến mọi oán hận của lão bá tánh đều tích tụ trước cổng nha môn. Trong tối lại đoạt hết mọi quyền quản lý dân chúng vào tay mình.

Thanh danh, thực quyền, y đều nắm trong tay.

Chính trị quân sự, kế sách dân sinh, đều có thể thống nhất. Tống Giản đã làm được điều mà Lục Giai không làm được.

Từ phủ Công chúa đến Thanh Châu, cuối cùng y cũng hiểu ra, vì sao phụ thân lại khư khư ôm quyền thế mà không chịu buông tay. So với những ngày tháng hóng gió mát bên ô cửa sổ, ngắm ánh trăng rơi nơi đầu giường thì những ngày không ngửi thấy mùi máu tươi, nhưng lại nhìn thấy sinh tử chìm nổi mới là ước mong tha thiết của đấng nam nhi.

Tống Ý Nhiên rất ngưỡng mộ huynh trưởng mình. Khi gia tộc ly tán, trong cảnh đời phiêu linh, Tống Giản vẫn có thể tìm được một con đường thoát thân.

Thậm chí có khả năng, đây không chỉ là một con đường thoát thân mà thôi.

Cho nên Tống Ý Nhiên tuyệt đối không thể cho phép y vì một cô gái mà lùi lại. Cho dù đó chỉ là lùi một bước cũng không được.

“Tẩu tẩu, người trong phủ tẩu đều ở đây hết sao?”

Khoảng ba mươi người, gặp từng người cũng chỉ mất nửa chén trà nhỏ. Tống Ý Nhiên cấu véo làm rơi mất nửa móng tay giả, nàng nghiêng đầu hỏi Lục Dĩ Phương.

Lục Dĩ Phương không đáp lời, Tân Nô bước đến nói: “Thưa tiểu thư, hạ nhân trong phủ không nhiều lắm. Ngoại trừ vài người ra ngoài mua thức ăn thì đều ở đây cả.”

Tống Ý Nhiên lạnh lùng cười một tiếng.

“Tẩu tẩu không dám đáp, lại bảo ngươi đáp. Không đúng. Ta nghe nói trong phủ có một nô tì mới đến, do ca ca ta đích thân đón về từ nha môn phủ Thanh Châu, không gọi đến à?”

Tân Nô nhìn sang Lục Dĩ Phương.

Lục Dĩ Phương thổi bã trà nổi trên mặt tách, khói trà màu trắng xanh bao phủ lên gương mặt nàng ta.

“À, muội nói Lâm Xuyên à. Cô ta không khỏe, mới vừa xuống giường được, vẫn còn đang tĩnh dưỡng. Muội…”

“Tẩu tẩu mặc cho cô ta ngông cuồng vậy sao?”. Lục Dĩ Phương còn chưa nói hết câu, Tống Ý nhiên đã cướp lời.

Lục Dĩ Phương đặt tách trà xuống. “Ý Nhiên, hôm nay các vị phu nhân đều ở đây. Ca ca muội…”

“Tẩu bảo cô ta đến đây. Muội cố tình chuẩn bị một món quà thưởng cho cô ta.”

Tống Ý Nhiên vẫn không chịu đợi nàng ta nói xong đã cất lời.

Lục Dĩ Phương nhìn lướt qua các vị phu nhân xung quanh. Có người tuy cúi đầu uống trà, nhưng đều lộ ra vẻ mặt chờ xem kịch. Lục Dĩ Phương hạ tầm mắt. Nàng ta cười cười. Bã trà trong chiếc tách trước mặt tản ra thành một hình ảnh vỡ vụn. Trong kẽ hở lộ ra ngũ quan của nàng ta, gương mặt dịu dàng lương thiện ấy khiến nàng ta cảm thấy cực hài lòng.

“Bỏ đi. Nghênh Tú, đi gọi cô ta tới.”

—Tịch Dương Mùa Hạ—

…Nguồn dịch: https://stormygillie.wordpress.com

Bản chất cuộc đời là tro bụi, chung quy cũng phải vì một thứ nào đó, một người nào đó mà cuồng dại thiêu đốt đến tận cùng.

Từ bản chất mà nói, Kỷ Khương cảm thấy mình và Tống Ý Nhiên là cùng một loại người.

Khi ngọn đèn hôn nhân này bị dập tắt, năm tháng bình an bị tước đoạt, “gia tộc” liền trở thành mũi dao sắc nhọn, lập tức chém sâu vào những người con gái như họ. Khi xưa ở Gia Dục, Tống Ý Nhiên liều chết cũng phải giữ được mạng sống của Tống Giản, nay mình lại vì giải mối nguy khốn của triều đình, một mình lưu lạc tới Thanh Châu, có khác biệt gì lớn đâu?

Nhưng giữa người và người, từ trước đến nay đều không có nghĩa vụ phải đứng trên lập trường của nhau, thấu hiểu cho nhau.

Cho nên khi Kỷ Khương bước vào mảnh sân trước gian phòng khách, ngẩng đầu đối diện với ánh mắt ẩn giấu tro tàn của Tống Ý Nhiên, khi Tống Ý Nhiên nhìn thấy cô gái đứng mơ hồ trong tuyết nhưng vẫn tựa như viên minh châu năm nào, trong lòng cả hai người đều nổi sóng, nhưng lại không hề giống nhau.

“À, đẹp thật đấy. Thật sự khiến người khác đau lòng.”

Tống Ý Nhiên ôm lò sưởi ấm đến trước cửa, Nghênh Tú vén màn hộ nàng. Gương mặt Kỷ Khương cuối cùng cũng rơi vào đáy mắt Tống Ý Nhiên.

Nàng hạ tầm mắt, bóng lưng lại thẳng tắp đứng giữa một nhóm hạ nhân vốn có thói quen khom lưng uốn gối, đương nhiên càng nổi trội. Đương nhiên là càng dễ đập vào mắt Tống Giản.

Nghênh Tú kéo tay áo Kỷ Khương, nàng mới chậm rãi khuỵu người xuống hành lễ.

Cái hành lễ này rất khó khăn. Cho dù nàng hạ quyết tâm thế nào, bước ra khỏi cung đình Đại Tề, dung nhập vào chốn hỗn độn lại phức tạp bên cạnh Tống Giản, thì trong cốt tủy nàng vẫn là quý tộc tao nhã trong cung đình.

Quỳ gối với Tống Giản đơn giản hơn. Dù sao thì đó cũng là người từng cùng nàng đồng cam cộng khổ, có da thịt tương thân. Nhưng với Tống Ý Nhiên lại không dễ dàng như vậy.

“Chúc tiểu thư an khang.”

Lúc nàng thốt ra câu này, lưng Tống Ý Nhiên như bị một con trùng phiền não bò tán loạn vào tận xương.

Nàng không thể nói rõ cảm giác này là sung sướng hay khó chịu, cứ như nàng vừa rút một con dao ra cầm trong tay, nhưng tay lại bị người khác giữ chặt. Nàng đột nhiên không rõ, vì sao mình cứ phải giữ chặt con dao này như vậy.

Trương thị nói: “Dương phu nhân, chẳng phải cô nói có gì muốn thưởng cho cô ấy sao?”

Tống Ý Nhiên được câu nói này bình tâm lại. Nàng xoay người, bước vài bước vào trong nhà.

“Đúng vậy, nghe nói cô ta cũng không còn nhỏ tuổi nữa, là người từ nơi khác chạy đến Thanh Châu. Bình thường nữ tử đến tuổi này thì đều đã có nơi đi chốn về rồi đúng không? Quản gia trong Ý Viên của ta vừa mất thê tử năm ngoái. Dáng vẻ cô nương này khiến ta rất đau lòng. Gả cô ta cho quản gia trong Ý Viên của ta không phải là vừa đẹp đôi à?”

Nói rồi nàng lại ngẩng đầu nhìn Lục Dĩ Phương.

“Tẩu tẩu, tẩu ban thưởng gả cô ta ra ngoài, ta cũng ban thưởng cho cô ta vào viện, vậy là cả hai bên đều vui vẻ cả rồi.”

(1) Bài Lá Cổ: Là một tác phẩm của Trần Hồng Thụ. Bài Lá Cổ xuất phát từ bài Lá, còn có một tên gọi khác là Tửu Bài (Bài Rượu), hình thức xuất hiện sớm nhất của bài Poker. Bài Lá được ưa chuộng nhất vào thời Đường. Trần Hồng Thụ thực hiện những tác phẩm của mình trên bài Lá. Mỗi lá là một câu chuyện hoặc nhân vật lịch sử. Tổng cộng có 48 lá.

Bài Lá Cổ không chỉ thể hiện kiến thức uyên bác của Trần Hồng Thụ về lịch sử mà còn thể hiện hi vọng và lý tưởng của ông.

Bài Lá Cổ trong truyện là loại bài được chế tác lại theo tác phẩm Bài Lá Cổ.

(2) Ban sai: Chức quan có nhiệm vụ bắt phu và trưng thu tài sản cho quan phủ trong chế độ cũ.

(3) Ngoại phiên: Chỉ các vùng thuộc địa. Thời đại phong kiến, vì để dễ cai trị, triều đình thường ban cho các quý tộc những vùng lãnh thổ riêng, cai trị dưới quyền triều đình. Các vương gia được giao nhiệm vụ cai trị những vùng lãnh thổ này gọi là phiên vương.

Mình come back đây. Hihi

About Tịch Dương

Thích được gọi là tác giả. Mới viết được 1 vài tác phẩm tầm phào, nhưng hi vọng tương lai sẽ khá hơn.

Có một phản hồi »

  1. Pingback: THỨ DÂN – Tịch Dương Mùa Hạ

Bình luận về bài viết này